Cách Để Tìm Công Việc Trong Một Lĩnh Vực Mới Mà Bạn Không Có Kinh Nghiệm

Kinh nghiệm liên quan đến công việc khi tìm việc làm có thể quan trọng nhưng bạn có thể vượt qua nó ngay cả khi chuyển đổi sang một lĩnh vực mới. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều người đã xác định được con đường sự nghiệp của mình, mọi lựa chọn vào trường đại học hay bằng các con đường khác cũng sẽ đưa họ đi trên con đường nghề nghiệp mà mình mong muốn. Tuy nhiên, thực tế là mong muốn bản thân và hoàn cảnh của chúng ta luôn thay đổi và nghề nghiệp luôn ở trong tình trạng biến động liên tục. Vì vậy, không chỉ đơn giản là tìm kiếm việc làm mới mà bạn còn phải luôn sẵn sàng đối mặt với những biến động trên thị trường việc làm và lập kế hoạch cho tương lai xa.

Tự mình tìm hiểu nghiên cứu

Tự học hỏi luôn là cách thức tốt nhất và hiệu quả nhất với những người tìm kiếm việc làm mới trong một lĩnh vực mới hoàn toàn không liên quan đến bằng cấp hiện tại của họ. Điều đó cũng có nghĩa là bạn phải chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng để học hỏi và khám phá lĩnh vực nghề nghiệp mới một cách nghiêm túc.

Bước đầu tiên cho công cuộc tìm việc làm cũng như bất kỳ sự thay đổi nghề nghiệp nào là nghiên cứu về công việc. Hãy tìm hiểu về lĩnh vực mới để xem rằng những kỹ năng nào được yêu cầu, những gì bạn phải làm và những triển vọng phát triển trong ngành. Bạn cũng có thể tìm hiểu thông qua sách vở, tìm kiếm trên internet hoặc hỏi những người đã từng làm việc trong lĩnh vực mà bạn đang tìm hiểu.

Sử dụng các kỹ năng có thể chuyển đổi của bạn

Một trong những tác dụng của việc nghiên cứu kỹ lưỡng lĩnh vực mới mà bạn muốn tham gia là sẽ giúp bạn hiểu rõ về các loại kỹ năng cần thiết để không chỉ kiếm việc làm nhanh chóng hơn mà còn giúp bạn làm tốt công việc đó. Bản thân bạn có thể đã có sẵn những kỹ năng mà công việc yêu cầu ngay cả khi bạn không phát triển chúng trong một môi trường tương tự.

Hãy suy nghĩ về cách bạn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng tiềm năng bằng cách sử dụng các kỹ năng kỹ năng mềm bạn có như kỹ năng giao tiếp và làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý…những điều này rất có giá trị đối với công việc. Sau khi bạn xác định những kỹ năng nào nhà tuyển dụng mong đợi ở người tìm việc làm, hãy làm nổi bật chúng trong hồ sơ của bạn và trong các cuộc phỏng vấn.

Học các kỹ năng mới

Sử dụng những kỹ năng bạn có phục vụ cho công việc là một cách tuyệt vời để thay đổi nghề nghiệp mà không làm bạn quá bỡ ngỡ, nhưng nếu bạn thực sự muốn tiến bộ, bạn phải liên tục học hỏi và bổ sung cho mình những kỹ năng mới. Ví dụ, bạn có kỹ năng viết báo và tạp chí, đồng thời bạn cũng phải nâng cao và mở rộng kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian cho hiệu quả vì có thể bạn có khi sẽ phải điều hành cả một dự án. Có nhiều cách khác để bạn có được trải nghiệm trong lĩnh vực mình muốn trau dồi kiến thức và thu hút các nhà tuyển dụng. Bạn có thể đăng ký tham gia một chương trình học nghề hoặc đào tạo, thực tập hay một khóa học trực tuyến để làm quen với các kỹ năng chuyên môn.

Xây dựng mạng lưới mối quan hệ của bạn

Ngay cả khi bạn hoàn toàn tự tin rằng bạn sẽ có thể đạt được bất kỳ công việc nào trong lĩnh vực mới của mình thì điều cần thiết đầu tiên là bạn phải gặp được nhà tuyển dụng để trao đổi trong buổi phỏng vấn. Đôi khi điều đó có thể là khó khăn nhất trong nỗ lực chuyển đổi nghề nghiệp của bạn, vì vậy bạn cần có những người liên hệ có thể giúp đỡ. Bạn có thể lập một danh sách các công ty mình mong muốn được làm việc và sau đó nghĩ tới những người bạn quen biết làm việc trong lĩnh vực liên quan và chủ động liên hệ với họ để nhờ sự giúp đỡ.