Sáu Bước Để Tìm Kiếm Việc Làm Thành Công

Nhiều người muốn tạo ra sự khác biệt để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong quá trình tìm việc làm nhưng đôi khi chúng không phải điều dễ dàng. Việc tìm ra con đường đi đúng đắn và tập trung xây dựng những kỹ năng cần thiết cho công việc mới là điều khác biệt. Quy trình sáu bước sau đây có thể giúp bạn có được một công việc tốt.

Bước 1: Tự đánh giá bản thân

Nguyên nhân nào khiến bạn yêu thích và lựa chọn công việc đó? Bạn coi trọng điều gì trong công việc? Điều mà bạn quan tâm nhất là mức lương hay địa vị? Sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc có phải là điều quan trọng nhất đối với bạn không? Loại công việc nào có thể thúc đẩy động lực làm việc của bạn? Hãy tự suy nghĩ và đặt câu hỏi để tìm ra loại công việc nào có thể phù hợp nhất với bạn.

Bước 2: Khám phá

Có một số cách bạn có thể sử dụng để tìm hiểu thông tin và tìm kiếm việc làm như đọc các bài viết về các chuyên gia trong lĩnh vực công việc bạn muốn theo đuổi, tham khảo những lời khuyên và kinh nghiệm của họ; sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và các trang tìm việc làm trực tuyến để chọn lọc công việc phù hợp. Bạn cũng có thể đăng ký nhận thông báo tin tuyển dụng hàng tháng bằng việc đăng ký tài khoản người tìm việc làm để biết được danh sách công việc có liên quan đang có nhu cầu tuyển dụng.

Bước 3. Xác định tiêu chí

Hãy viết ra mục tiêu của bạn trong một hoặc hai câu với các ví dụ chính. Thay vì chỉ xác định mong muốn một cách chung chung, bạn càng đưa ra mục tiêu rõ ràng và cụ thể, bạn càng dễ dàng đưa ra quyết định của mình khi tìm kiếm việc làm phù hợp.

 Ví dụ: Về mặt địa lý, bạn có muốn làm việc tại một thành phố lớn hay tại chính quê nhà của mình? Đó cụ thể là nơi nào? Bạn muốn làm việc tại nước ngoài hay không? Đó là đất nước nào?

Bạn muốn mình làm được điều cụ thể gì và mang lại lợi ích cho ai? Ví dụ, khi bạn nói rằng bạn muốn giúp công ty phát triển bền vững hơn thì vẫn còn quá chung chung, thay vào đó, hãy nói một cách cụ thể chẳng hạn như bạn muốn giúp tăng  doanh số các dòng sản phẩm tiêu dùng của công ty bằng cách cải thiện thiết kế bao bì.

Về loại hình tổ chức, bạn có cảm thấy được sáng tạo, tiếp thêm năng lượng và chủ động hơn khi gia nhập các công ty mới khởi nghiệp không? Hay bạn cảm thấy thoải mái hơn trong một công ty lớn, đã được thành lập và hoạt động với hệ thống và quy trình sẵn có?

Bạn muốn xây dựng loại kỹ năng nào cho mình? Ngành nghề nào bạn yêu thích và muốn theo đuổi?

Bước 4. Gia nhập

Để việc tìm kiếm việc làm được nhanh chóng và dễ dàng hơn, hãy xây dựng mạng lưới các mối quan hệ quen biết bằng cách tham gia các trang mạng xã hội và làm quen, trao đổi, nói chuyện với những người làm việc trong lĩnh vực nghề nghiệp bạn muốn tìm hiểu. Khi tham gia các trang cộng đồng nghề nghiệp cụ thể, bạn có thể biết được các chuyên gia và có cơ hội làm quen, trao đổi những bài học và lời khuyên quý giá từ họ. Bạn cũng đừng quên tham dự các hội thảo và sự kiện có liên quan hay được tổ chức thường kỳ.

Hãy dành thời gian kết nối với mọi người và thể hiện cho họ biết rằng quan tâm đến lĩnh vực của họ và nhờ sự giúp đỡ xem họ có biết nơi nào đang cần nhận sự không và nhờ họ giới thiệu bạn với những nơi đang có nhu cầu tuyển dụng.

Bạn nên dành khoảng 80-90% thời gian để kết nối với mọi người và 10-20% thời gian để nộp đơn ứng tuyển cho các công việc đăng tuyển dụng trực tuyến công khai. Ngay cả khi bạn tìm thấy một bài viết thú vị, hãy xem xem liệu rằng bạn có thể gặp gỡ nói chuyện trực tiếp với bộ phận nhân sự trong công ty hay không. Các cuộc tiếp xúc trực tiếp thể hiện ý định nghiêm túc và mong muốn thực sự của bạn đối với công việc và cơ hội mở ra cho bạn sẽ tốt hơn nếu bạn có sự kết nối với những người quen biết trong công ty.

Bước 5. Chuẩn bị

Sau khi tự suy nghĩ và nghiên cứu, bạn nên có sự chuẩn bị thật tốt cho cuộc phỏng vấn của mình. Khi nhận được lời mời phỏng vấn, hãy coi đó là chiến thắng ban đầu trang hành trình tìm việc làm và coi đó là động lực trong suốt quá trình tiếp theo.

• Hãy xem lại bạn đã tự đánh giá bản thân mình như thế nào và đảm bảo rằng vị trí công việc phù hợp với sở thích, kỹ năng và niềm đam mê của bạn. Hãy chuẩn bị để đưa ra các ví dụ xác thực và chứng minh bạn có thể làm tốt công việc đó.

• Nếu bạn nói chuyện với một ai đó đang làm việc tại nơi bạn sẽ đến phỏng vấn, hãy cho họ biết bạn đã nhận được lời mời phỏng vấn cho vị trí đó và xin lời khuyên của họ.

  • Nếu bạn may mắn nhận được nhiều lời mời từ nhà tuyển dụng, hãy xem xét liệt kê ra các yếu tố quan trọng nhất đối với bạn trong công việc và so sánh từng cơ hội để xem công việc nào phù hợp với mong muốn của bạn hơn.

Bước 6. Thực hiện

Cách tốt nhất để đảm bảo sự thành công trong công việc tương lai mà bạn tìm kiếm là làm thật tốt công việc hiện tại của bạn, nhưng cũng có một số thực tiễn khác cần ghi nhớ:

• Cập nhật sơ yếu lý lịch của bạn thường xuyên (ít nhất sáu tháng một lần) và ghi lại những thành tích của mình để đảm bảo bạn nắm bắt tất cả những gì bạn đã làm trong công việc.

• Luôn đánh giá để xem liệu công việc bạn làm có còn thỏa mãn những mục tiêu bạn đã đặt hay không và liệu sở thích, đam mê và khả năng của bạn có được phát triển không.

• Duy trì mạng lưới các mối quan hệ bạn đã xây dựng thông qua các cuộc phỏng vấn thông tin của mình bằng cách luôn giữ kết nối, liên lạc với bạn bè, người thân, những người quen biết.